Triều đại 169: Đức Giáo hoàng Ađrianô IV
Đăng Bởi : ADMin (Sáng Lập) *
Đăng Lúc : Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
Triều đại 169: Đức Giáo hoàng Ađrianô IV

Triều đại 169: Đức Giáo hoàng Ađrianô IV
Đức Giáo Hoàng Ađrianô IV sinh tại Langley, Luân Đôn, Anh quốc khoảng năm 1100, trong một gia đình bình dân. Tên thật là Nicôla Breakspear ngài là vị Giáo hoàng người Anh độc nhất trong lịch sử Giáo hội từ 2000 năm qua. Ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng ngày 4-12-1154. Lúc bấy giờ, ở Rôma có nhiều rối ren với một chính phủ dân sự, một thượng viện tư lập không thuộc Giáo hoàng và Arnauđô de Brescia luôn xách động, xúi dục dân chúng nổi loạn. Ngài kêu gọi dân chúng chống lại Arnauđô, đánh đuổi ông ta ra khỏi kinh thành. Thượng viện nghe theo ngài và Arnauđô  bị trục xuất ra khỏi thành Rôma. Ngài dùng mọi cách để bênh vực quyền tối thượng của Giáo hoàng trên đế quốc bằng cách thách thức vua Barberousse qua sự việc như sau.
Khi ấy, Barberousse đến Rôma theo lời kêu gọi của nhiều quốc vương chư hầu. Trong thời gian ngắn ông đã bình định được nhiều tỉnh miền Bắc muốn đòi độc lập. Sau đó, ông về Rôma để được đức Giáo hoàng phong vương. Tuy không tin tưởng Barberousse, nhưng ngài cũng chấp nhận gặp ông ta ở Sutri. Tại đây đã xảy ra câu chuyện tên là “Dây cương” nổi tiếng. Chuyện kể lại, khi ngài đến Sutri, Barberousse từ chối không chịu cầm cương xa giá của ngài. Đáp lại, ngài cũng không áp má bình an để tha thứ cho ông ta.
Sự căng thẳng này sau đó được giải quyết theo đường lối ngoại giao, cuối cùng, Frêđêric Barberousse cũng được phong vương, còn Arnauđô de Brescia phải chịu hậu quả đau thương: ông bị quân của F. Barberousse bắt giải về cho ngài và bị thiêu sống. Tất cả công trình của ngài là muốn củng cố vững chắc Giáo hội như một động lực chính yếu và hợp nhất của thế giới Kitô giáo. Vì thế, Giáo hội phải có vị thế đặc ân trên mọi thể chế và mọi dân tộc.
F. Barberousse lại có lập trường ngược lại, sau khi đã phục hồi quyền bính và lập chính phủ hoàng gia ở phía Bắc, ông còn muốn thâu tóm quyền vương trên kinh thành Rôma. Vì thế ông đe dọa quyền đời của Giáo hoàng và nền độc lập của nước Tòa Thánh. Hai bên ngày càng xa nhau về lập trường quyền bính. Vì không tin tưởng Frêđêric nên ngài quay ra ủng hộ quân Normandi và ký kết với họ hiệp ước tại Brévent. Sự nứt rạn sâu đậm đến nỗi ngài còn dọa sẽ dứt phép thông công Frêđêric, nhưng chưa kịp tuyên bố thì ngài đã qua đời ngày 1-9-1159.
    Copyright © 2025 Giáo Xứ Phước Lâm
    Trang Web Được Thiết Kế Bởi Giáo Xứ Phước Lâm