Triều đại 170: Đức Giáo hoàng Alêxanđê III
Đăng Bởi : ADMin (Sáng Lập) *
Đăng Lúc : Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
Triều đại 170: Đức Giáo hoàng Alêxanđê III

Triều đại 170: Đức Giáo hoàng Alêxanđê III
Đức Giáo hoàng Alexanđê III sinh tại Sienna, nước Ý, tên thật là Roland Bandinelli. Là giáo sư giáo luật tại Đại học Bôlônia vàPisa, rồi làm Hồng Y vào tháng 10-1150. Ngày 7-9-1159 ngài được bầu làm Giáo hoàng. Khi ấy, một nhóm Hồng y thân Đức thuộc phe của Frêđêric Barberousse đề cử các ngụy Giáo hoàng là Victor IV ngày 4-9-1159, và Calixtô III từ 9-1168 đến 29-8-1178.
Mạnh mẽ chống đối Frêđêric Barberousse vốn chủ trương bành trướng quyền hành thế tục và áp đảo quyền bính Giáo hoàng, ngài phải đi nhiều nơi trong nước Ý và nước Pháp tìm liên minh để chống lại Frêđêric, ra vạ tuyệt thông đối với Frêđêric và Victor IV, liên minh với quân Vénitiens, Normands và Lombarđi. Trong thời gian đó, Victor IV qua đời năm 1164, lại đề cử Pascal III vào ngày 26-4-1164 kế vị Victor IV. Khi Pascal III qua đời ngày 22-9-1168, Frêđêric đặt Calixtô III thay thế vào tháng 9-1168.
Sau 10 năm trị vì, Frêđêric, kẻ bảo trợ các ngụy Giáo hoàng gặp nhiều thất bại quân sự, bị thua quân liên minh Lombarđi ở Lêgnanô, nên quyền hành suy giảm, Calixtô III đã tự nguyện xin thần phục ngài và được hưởng ơn xá giải. Đồng thời, chính Frêđêric cũng nhận thấy không thể đương đầu được với liên minh của ngài, nên buộc lòng bỏ việc tham chiến và ký kết hiệp ước hòa bình, trong đó ông từ khước chương trình mở rộng đế quốc và nhìn nhận ngài là Giáo hoàng chính thức.
Frêđêric còn phải chấp nhận và chịu đựng những hình phạt của ngài: chính ngài đã dí chân trên đầu hoàng đế và bắt ông phải đọc lời Thánh Kinh: “ngài đạp lên đầu rắn lục và rắn hổ mang”. Từ đó ngài có thể vào Rôma cách công khai, còn Frêđêric Barberousse, mặc dù bị hình nhục nhưng vẫn chưa chịu khuất phục, còn tìm cách đưa ra một Giáo hoàng ngụy thứ tư là Innôcentê III vào ngày 29-9-1179, nhưng chỉ được gần một năm sau thì qua đời (1180).
Từ đó, ngài toàn thắng và bắt đầu chuyên tâm vào việc xây dựng đời sống các giáo sĩ, triệu tập công đồng Latran III và công đồng chấp thuận 27 điều luật, trong đó quan trọng nhất là điều “Licet de Vitanda” ấn định rằng Đức Giáo Hoàng chỉ do các Hồng y bầu phiếu và phải đắc cử với hai phần ba số phiếu bầu. Một công đồng khác, họp ở Albi bên Pháp, lên án bè rối Albigepis vì các sai lạc về tín lý và chống đối quyền bính Giáo hoàng. Giáo triều của ngài không dễ dàng, mặc dầu Frêđêric Barberousse đã đầu hàng. Tại Rôma có một phe thân hoàng đế rất mạnh thế, luôn chống đối Giáo hoàng. Nhiều lần ngài phải rời bỏ thành phố đi trú ẩn nơi khác. Ngài qua đời ngày 30-8-1181 tại Cività Castellana và được an táng trong Vương Cung Thánh Đường Latran.
    Copyright © 2025 Giáo Xứ Phước Lâm
    Trang Web Được Thiết Kế Bởi Giáo Xứ Phước Lâm